Lào Cai: Đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới 2024
100% Cổng thông tin điện tử các cấp, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin xây dựng nông thôn mới
Kế hoạch đặt ra mục tiêu 100% huyện, thị xã, thành phố, các xã xây dựng kế hoạch truyền thông về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 và triển khai hiệu quả để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình năm 2024.
Có ít nhất 01 chuyên mục và ít nhất 01 phóng sự/tuần về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Có ít nhất 01 chuyên trang và ít nhất 05 tin, bài viết/tuần về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên Báo Lào Cai. 100% các xã có ít nhất 01 chương trình phát thanh/tuần về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên đài truyền thanh cấp xã.
Thường xuyên đăng tải thông tin về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên Cổng thông tin điện tử.
100% Cổng thông tin điện tử hoặc trang/chuyên mục thông tin điện tử các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về các nội dung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 90% các câu hỏi của người dân và trả lời của UBND tỉnh Lào Cai về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2024, tổ chức 09 cuộc thi tìm hiểu kiến thức về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại các huyện, thị xã, thành phố và 01 cuộc thi cấp tỉnh; tổ chức 01 Hội thi phát thanh cơ sở về chủ đề xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai cho 127 đài truyền thanh cơ sở. Trên 90% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nông thôn mới.
Có khoảng 3.500 cuốn sách về gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Duy trì chuyên mục tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Tổ chức Hội nghị tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại 9 huyện, thị xã, thành phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền 04 nội dung trọng tâm của tỉnh
Thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, ấn phẩm, hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trực quan… thực hiện tuyên truyền các nội dung về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025; các chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, Đề án, Chỉ thị, Quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh Lào Cai trong thực hiện Chương trình.
Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền 04 nội dung trọng tâm của tỉnh: (1) Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; (2) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại; (3) Phát triển du lịch sinh thái góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc; (4) Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Tập trung tuyên truyền các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nhóm các tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu; các chính sách về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông sản, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, địa chỉ số góp phần nâng cao tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các cuộc vận động: “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… phối kết hợp linh hoạt, sáng tạo tuyên truyền các phong trào thi đua “Thực hiện các Chương trình MTQG” giai đoạn 2022 - 2025 và các phong trào thi đua khác. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm, tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông thôn; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở với nguyên tắc “cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Tập trung ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu năm 2024, trong đó quan tâm các đối tượng là cán bộ, công chức xã là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, người có uy tín và một số hộ dân tiêu biểu trên địa bàn xã.
Triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Xây dựng các hình ảnh về người nông dân thế hệ mới, hình ảnh “Người lãnh đạo cộng đồng”. Tuyên truyền về các điển hình, những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, nơi có điều kiện khó khăn nhưng có giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội; phương pháp, cách làm của các địa phương đạt chuẩn để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phản ánh những khó khăn, bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn.../.