ĐẢNG BỘ XÃ PHONG NIÊN 60 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN 30/3/1963 – 30/3/2023
Ngày 30/3/2023, Đảng bộ xã Phong Niên đã tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập, đây cũng là Ngày Kỷ niệm tròn 60 năm đồng bào tỉnh Kiến An (Hải Phòng), đặt chân trên vùng đất Phong Niên, mở đầu cho cuộc hành trình đi khai hoang, xây dựng quê hương mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã, là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và rất đỗi tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên; hiểu thêm về lịch sử cách mạng, sự cống hiến của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên trong xã để có được Phong Niên như ngày hôm nay; chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, xây dựng xã phát triển bền vững trong thời gian tới.
Là vùng đất có truyền thống lịch sử, nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; trải qua quá trình lịch sử, Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên luôn đoàn kết, gắn bó, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Kể từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo những truyền thống tốt đẹp đó ngày càng được phát huy một cách mạnh mẽ.
Trong thời kỳ phong kiến, cũng như lịch sử các vùng đất khác trên địa bàn cả nước. Khi có giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc vùng đất Phong Niên luôn đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù, giữ gìn sự yên bình cho quê hương.
Sử sách đã ghi chép nhiều cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của phong kiến phương Bắc, hầu hết chúng đều tràn qua ải Lạng Sơn và ải Lê Hoa (giáp biên giới Lào Cai ngày nay) để tiến vào nước ta, vùng đất Bảo Thắng (trong đó có Phong Niên ngày nay) luôn là nơi diễn ra các trận quyết chiến cặn bước tiến, đường lui của địch. Nhân dân vùng đất Phong Niên đã tích cực đóng góp sức người, sức của xây thành, đắp lũy cùng các cánh quân của triều đình chiến đấu kiên cường góp phần bảo vệ vững chắc miền biên cương Tổ quốc.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, cùng với Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng, đồng bào các dân tộc vùng đất Phong Niên đã kiên cường, bất khuất phối hợp với đồng bào các dân tộc trong vùng tổ chức hàng chục cuộc đấu tranh lớn nhỏ chống lại ách thống trị của đế quốc, thực dân. Mặc dù mới chỉ là những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, mang tính tự phát song nó đã thể hiện tinh thần phản kháng, không chịu khuất phục trước kẻ thù, làm rạng rỡ thêm truyền thống của Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối kéo dài kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Sau khi ra đời, Đảng ta đã đề ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản và khẳng định vai trò lãnh đạo Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tình hình chính trị - xã hội ở Lào Cai diễn biến hết sức phức tạp. Theo hiệp ước đồng minh, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Trong khi chưa giành được chính quyền cách mạng thì Nhân dân Lào Cai nói chung, Nhân dân xã Phong Niên nói riêng lại phải đối phó ngay với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ Việt Nam Quốc dân Đảng phản động.
Trung tuần tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ Bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ lên Lào Cai. Đoàn lên mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Trong thư Người thông báo cho đồng bào Lào Cai biết Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công trong cả nước và Người thăm hỏi động viên Nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà.
Đầu tháng 9/1946, Xứ ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai. Cuối năm 1946, sau khi đánh đuổi quân Việt Nam Quốc dân đảng phản động ra khỏi địa phương, tháng 01/1947, Khu uỷ quyết định thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Lào Cai thay cho Ban cán sự Đảng để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới. Ngày 05/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được khai mạc. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Thanh được bầu làm Bí thư tỉnh ủy.
Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập, tạo ra bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở Lào Cai. Từ đây, phong trào cách mạng ở Lào Cai chính thức có một Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo dẫn dắt, đưa cách mạng của Lào Cai hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc hướng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng; đồng thời phong trào cách mạng ở Lào Cai đã có sự chủ động xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh phát triển mạnh trong đó phong trào cách mạng ở Bảo Thắng phát triển mạnh nhất.
Ngày 15/10/1948, Tỉnh ủy Lào Cai chủ trương sau khi phát động võ trang đấu tranh sẽ lập ngay Huyện ủy Bảo Thắng, chỉ định đồng chí Trần Long làm Bí thư Huyện ủy. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Bảo Thắng, căn cứ khu du kích xã Phong Niên càng được củng cố. Mặc dù bị địch thường xuyên càn quyét nhằm biến Phong Niên thành vành đai trắng xong địa bàn Phong Niên vẫn được giữ vững. Từ căn cứ đỉnh núi Vi Mã các tổ công tác hậu địch của tỉnh, huyện xuất phát tiến lên Mường Khương, vòng xuống Bắc Hà để xây dựng cơ sở cách mạng.
Ngày 01/11/1950, Lào Cai được giải phóng. 2 xã Phong Niên và Thái Niên được sáp nhập thành 1 xã lấy tên chung là xã Thái Niên. Mặc dù mới được giải phóng đời sống Nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, song Nhân dân các dân tộc trong xã vẫn luôn tích cực cùng đồng bào các dân tộc trong huyện đập tan âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và cuối cùng là góp phần cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng về phát động giảm tô, cải cách ruộng đất gắn với cuộc vận động cải cách dân chủ. Tháng 8 năm 1954, xã Thái Niên được chia tách làm 2 xã Phong Niên và Thái Niên trở lại như trước năm 1950.
Từ năm 1954 đến năm 1963, sau 9 năm kể từ ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trong bối cảnh với biết bao khó khăn chồng chất. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Bảo Thắng, trong đó là sự lãnh trực tiếp của Chi bộ Đảng xã Xuân Quang, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức sáng tạo trong Nhân dân. Từ thực tiễn rút ra những kinh nghiệm áp dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi cuộc cải cách dân chủ kết hợp với xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thủ tiêu triệt để tàn dư của chế độ thực dân phong kiến, từ tổ đổi công tiến dần lên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp rồi thành lập hợp tác xã bậc cao, tạo cơ sở vững chắc ổn định nền kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân và tổ chức đón đồng bào lên khai hoang… Trong 3 năm (1959 - 1962), thực hiện cải cách dân chủ và tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, xã Phong Niên đã xuất hiện những quần chúng ưu tú được Chi bộ Đảng xã Xuân Quang giới thiệu và đề nghị Huyện ủy kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt nam) đó là các đồng chí: Bàn A Hàn; Bàn Tiến Phương; Vàng Văn Nhai; Vương Văn Lò, tiếp đến ngày 17/3/1963 xã Phong Niên tổ chức đón nhận 10 hộ dân của tỉnh Kiến An (Hải Phòng) lên khai hoang trong đó có 02 đảng viên. Như vậy, cho đến thời điểm ngày 17/3/1963, tổ Đảng xã Phong Niên đã có 6 đảng viên. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 30/3/1963, Huyện ủy Bảo Thắng ra Quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Phong Niên, đồng chí Vàng Văn Nhai được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Chi bộ.
Có thể khẳng định, Chi bộ Đảng xã Phong Niên ra đời là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của chính quyền, Nhân dân xã Phong Niên trong cuộc đấu tranh cách mạng, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sát, kịp thời của Đảng bộ huyện. Sự ra đời của Chi bộ xã Phong Niên là một yêu cầu bức thiết, đáp ứng kịp thời sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào xây dựng quan hệ sản xuất mới ở địa phương. Từ đây, mọi hoạt động của địa phương trực tiếp có chi bộ Đảng lãnh đạo dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Bảo Thắng, là điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đảng sâu sát phong trào quần chúng, gần gũi với Nhân dân.
Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ xã Phong Niên đã nhanh chóng ổn định công tác tổ chức, triển khai quán triệt, thực hiện công tác bầu cử Hội đồng nhân dân 2 cấp (huyện và xã) được tổ chức vào tháng 4 năm 1963, lãnh đạo thành công cuộc bầu cử Quốc hội (khóa II) tại địa phương được tổ chức vào ngày 26/4/1964, tổ chức đón nhận và chăm lo chỗ ăn, ở cho 4 đợt đồng bào tỉnh Kiến An tiếp tục lên khai hoang, đồng thời lãnh đạo Nhân dân phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) lần thứ nhất của Nhà nước.
Trong thời gian 10 năm, từ 1965 đến 1975, trong tình trạng luôn luôn phải sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, gián điệp, biệt kích của đế quốc Mỹ, song Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên luôn hướng về miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu "Tất cả cho tuyền tuyến" "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới, ngày 20/9/1966, Bộ Nội vụ ra quyết định số 307/QĐ- NV, chia tách xã Phong Niên làm 2 xã Phong Niên và Phong Hải.
Đến năm 1975 các mặt kinh tế - xã hội của xã đã tăng lên nhiều lần so với ngày đầu thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp. Sản lượng lương thực đạt trên 500 tấn, tăng 300 tấn so với năm 1965, đàn trâu, đàn lợn và gia cầm tăng nhanh. diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp phát triển mạnh. Các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đảm bảo phục vụ nhu cầu sản suất và đời sống Nhân dân. Việc xây dựng quan hệ sản xuất được chú trọng, hợp tác xã nông nghiệp được củng cố, 100% hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã. Trong 10 năm (1965 - 1975), xã Phong Niên đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho nhà nước cùng với hàng chục vạn ngày công lao động, góp phần cùng với quân và dân miền Bắc đập tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" lớp lớp thanh niên xã Phong Niên hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ cùng thanh niên tỉnh Lào Cai thành lập nên những tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 1, Hoàng Liên Sơn 2.
Đi đôi với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, củng cố hợp tác xã nông nghiệp, lĩnh vực văn hóa - xã hội được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chú trọng. Năm học 1969-1970 xã đã có trường cấp II, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong xã và các xã bạn theo học. Phong trào văn hóa, văn nghệ được đẩy mạnh, các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc vẫn được duy trì thường xuyên, các phong trào thi đua yêu nước như phong trào "Thanh niên 3 sẵn sàng", "Phụ nữ 3 đảm đang", "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt", "Phụ lão 3 giỏi", và đặc biệt là các phong trào thi đua trên những cánh đồng "5 tấn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra động lực mạnh mẽ, vừa củng cố hậu phương, vừa chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Cùng với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và củng cố các tổ chức đoàn thể, công tác chuẩn bị đón dân tiếp tục lên xây dựng vùng kinh tế mới được Đảng bộ và chính quyền hết sức chú trọng. Tháng 6/1974, Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên tổ chức khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ đón nhận 110 hộ với trên 600 nhân khẩu đồng bào các xã Hồng Lý, Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam lên Phong Niên để xây dựng vùng kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Đồng bào miền xuôi lên đã mang theo kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức của đồng bằng Bắc bộ phổ biến cho đồng bào các dân tộc địa phương, đồng bào các dân tộc cũng trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi truyền thống cho đồng bào dưới xuôi mới lên, tạo nên khả năng kỹ thuật phát triển nông nghiệp phong phú và toàn diện.
Cùng với việc làm tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến và củng cố lực lượng cách mạng, Chi bộ đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể. Trong 3 năm (1970-1972), Chi bộ Phong Niên đã kết nạp được 12 quần chúng ưu tú vào Đảng đưa tổng số đảng viên của chi bộ lên 35 đảng viên. Căn cứ vào số lượng đảng viên do Điều lệ Đảng Lao Động Việt Nam (khóa III) quy định. Ngày 03/02/1973, Huyện ủy Bảo Thắng ra quyết định nâng cấp Chi bộ xã Phong Niên lên thành Đảng bộ xã Phong Niên, 05 tổ đảng trước đây nay được nâng cấp lên thành 05 chi bộ trực thuộc Đảng bộ.
Sự kiện Chi bộ xã Phong Niên được nâng cấp lên thành Đảng bộ chỉ sau 10 năm kể từ ngày chi bộ ra đời, từ 6 đảng viên nay đã có 35 đảng viên, đã khẳng định sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có sự đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân 2 tỉnh Kiến An, Hà Nam nằm trong vùng đi khai hoang - xây dựng vùng kinh tế mới.
Có thể nói rằng, có được những kết quả trên, trước hết là do có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ huyện, Chi bộ Phong Niên luôn bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cán bộ, đảng viên được phân công giữ các cương vị chủ chốt luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy còn những hạn chế, thiếu sót nhất định, song với sự nỗ lực phấn đấu và những đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chi bộ Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, Chi bộ nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn "4 tốt"; chính quyền đạt "vững mạnh". Đó là niềm tự hào, là động lực quan trọng để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên cùng Nhân dân cả nước tiếp tục thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong 10 năm (1976-1985), vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt suốt 21 năm, quân và dân xã Phong Niên cùng cả huyện, cả tỉnh lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Với thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, quân và dân xã Phong Niên đã thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ xã các nhiệm kỳ II, III, IV, V, VI, VII, góp phần từng bước cải thiện đời sống của Nhân dân, sự nghiệp văn hóa-xã hội tiếp tục được giữ vững và có bước phát triển, an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền có nhiều tiến bộ, phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế-xã hội. Đó cũng chính là những kinh nghiệm quý để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời kỳ đổi mới.
Từ năm 1986 đến nay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Tại các kỳ Đại hội trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1996, Đảng bộ xã đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là: Ổn định và phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên sản xuất lương thực, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp; kết hợp phát triển kinh tế - văn hóa với quốc phòng, an ninh; chuyển mạnh từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển. Trên cơ sở đó, Đảng bộ đã đề ra nhiều nghị quyết, giải pháp phù hợp để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vận hội, sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, tập trung lãnh đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; từng bước xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; thực hiện hiệu quả, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung giảm nghèo bền vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Phong Niên từ một xã vùng 3 đã từng bước phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Đảng bộ và Nhân dân xã Phong Niên đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo Nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng cao, bình quân 10 năm (2012 – 2022) đạt trên 10%/năm. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh từ 65% năm 2012 xuống còn 47% năm 2022; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng từ 20% lên 34%; thương mại, dịch vụ tăng từ 15% lên 19%. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 3142,2 tấn, tăng 342 tấn so với năm 2012; giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác năm 2022 đạt 138 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% năm 2012, xuống còn 5,18%; hộ cận nghèo còn 8,76% năm 2022.
Chương trình nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn bản tập trung chỉ đạo quyết liệt với cách làm sáng tạo, hiệu quả, là điểm sáng nổi bật trong các phong trào của huyện thời gian qua. Ngày 03/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký Quyết định số 2459/QĐ-UBND công nhận xã Phong Niên huyện Bảo Thắng "Đạt chuẩn nông thôn mới" năm 2018. Đây là kết quả, là dấu mốc quan trọng, là niềm tự hào của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Phong Niên.
Sau khi xã Phong Niên được công nhận xã nông thôn mới, từ cuối năm 2018 đến nay, với quyết tâm đạt được xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, xã đã phân công cán bộ, công chức các đoàn thể giúp đỡ các thôn thực hiện cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường.... Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hàng tỷ đồng, hiến tặng hàng nghìn m2 đất để làm đường, xây trường học và nhà văn hóa thôn. Giao thông của xã Phong Niên, từ không có đường hoặc chỉ là những con đường mòn lầy lội, đến nay đã có 100% tuyến đường bê tông, nhựa hoặc cứng hóa. Những con đường bê tông rộng rãi đã vươn xa đến tận các thôn, đến từng ngõ xóm. Nhiều nếp nhà, nhiều ngôi trường mới, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang; Phong trào xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng, làm đường hoa, chỉnh trang công sở, xây dựng hố rác, công trình vệ sinh... được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, đặc biệt là khu vực dọc theo 2 bên đường quốc lộ 70; hạ tầng kỹ thuật bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân.
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu; hằng năm có trên 90% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; các tập tục lạc hậu được đẩy lùi, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Hệ thống thông tin, liên lạc, điện được bao phủ đến 100% hộ gia đình, thôn bản. Công tác Giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 100% tổng số trường học đạt chuẩn Quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục ngày càng được giữ vững và nâng cao về chất lượng; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân có nhiều tiến bộ, đến nay 100% các thôn đều đã có y tế thôn bản, trạm y tế đã có bác sỹ.
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Đảng bộ luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thực đến hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, niềm tin trong Nhân dân. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; không còn điểm trống Ban chi ủy chi bộ, tất cả các thôn, cơ quan, đơn vị đều có tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, từ chỗ chỉ có 02 chi bộ khi thành Đảng bộ năm 1973 với 35 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 22 chi bộ với 298 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn 100% cán bộ, công chức có trình độ Đại học và trung cấp lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn làm tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố và tăng cường; khối đại đoàn kết toàn toàn dân được củng cố vững chắc.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, Đảng bộ và Nhân dân xã Phong Niên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Toàn xã có 103 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; 482 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh tặng Bằng khen. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã vững bước tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới.
Đạt được những thành quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo giúp đỡ của Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng với các phòng, ban của huyện đối với xã Phong Niên trong quá trình đấu tranh cách mạng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày nay. Đặc biệt là do công sức đóng góp của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong xã, sự cống hiến lớn lao của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước; sự đóng góp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo xã, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã qua các thời kỳ.
Những kết quả đạt được của Đảng bộ sau 60 năm là rất đáng trân trọng và tự hào. Song, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự hi sinh, công lao đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, chưa đáp ứng được niềm mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân. Phong Niên tuy đã ra khỏi xã nghèo nhưng đời sống của Nhân dân, nhất là ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững; trình độ dân trí giữa các thôn chưa đồng đều, đời sống văn hóa ở khu dân cư còn những mặt hạn chế; chất lượng một số cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là những vấn đề đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải tập trung khắc phục một cách hiệu quả, để tạo thế và lực cho quá trình phát triển cao hơn ở những năm tiếp theo.
Phát huy truyền thống 60 năm qua, trong thời gian tới Đảng bộ xã xác định: Phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa để vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, huy động tối đa nguồn lực để phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của xã. Huy động tốt các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh - dịch vụ, phát huy lợi thế tuyến đường quốc lộ 70 nhằm nâng cao tỷ trọng dịch vụ, thương mại trong cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, khuyến khích Nhân dân giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, tăng cường, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Nhiệm vụ của Đảng bộ xã Phong Niên trong thời gian tới là rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức; song, với bề dày truyền thống, với những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng; với sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của huyện; với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chúng ta tin tưởng rằng Phong Niên sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong tương lai, góp phần cùng Nhân dân các dân tộc trong huyện xây dựng Bảo Thắng trở thành huyện khá của tỉnh và trở thành huyện kiểu mẫu vào năm 2030.