Khai giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người lao động tại xã Bản Cầm (Bảo Thắng)
Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bảo Thắng, từ đầu giai đoạn triển khai thực hiện đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của huyện đều đạt từ 3-5%. Năm 2023, Bảo Thắng chỉ còn 4,72%, đây là tỷ lệ nghèo ít nhất so với các địa phương trong tỉnh Lào Cai. Huyện Bảo Thắng đặt mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 72,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,72%, là huyện có tỷ lệ nghèo ít nhất trong tỉnh.
Để hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 20024, theo kế hoạch toàn huyện giảm 627 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 2,12%, giảm 356 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 1,2%, phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn huyện còn 771 hộ nghèo, tỷ lệ 2,61%, 1.372 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,64%, tỷ lệ khá giàu đạt 48,6%.
Do đó, một trong những giải pháp quan trọng là huyện tập trung vào việc tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số thông qua công tác đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm ổn định. Quan tâm làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh từ sớm, từ xa. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác tìm kiếm việc làm sau đào tạo nghề; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó trưởng phòng Phòng Lao động – TBXH huyện Bảo Thắng, đối với công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm của 9 tháng đầu năm 2024, Phòng đã tham mưu ban hành 7 kế hoạch, 18 văn bản chỉ đạo về công tác lao động việc làm; 46 thông báo tuyển lao động của các công ty, doanh nghiệp đến với người dân (bao gồm 34 công ty tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài và 12 công ty tuyển lao động làm việc trong nước); đăng tải 35 thông tin tuyển dụng lao động trên cổng thông tin điện tử huyện. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh tổ chức 41 hội nghị gặp gỡ, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển dụng lao động tại 03 trường THPT sau phân luồng học sinh và các xã, thị trấn trên địa bàn, với khoảng 1.200 lượt người lao động có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm trực tiếp tham gia và mời các đơn vị tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu lao động; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện tuyên truyền vào các buổi giao dịch của Phòng tại 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhờ đó, toàn huyện đã có 2.225 lao động được tạo việc làm mới, đạt 112,1% kế hoạch năm; trong đó, có 518 người lao động tại các công ty doanh nghiệp trong tỉnh, 1.136 người lao động tại các công ty doanh nghiệp ngoài tỉnh, 544 người lao động tại địa phương, 257 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, đã khảo sát và đào tạo 22 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 700 học viên từ nguồn vốn giảm nghèo và dân tộc thiểu số miền núi, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các xã: Gia Phú, Phú Nhuận, Thái Niên, Xuân giao; thị trấn nông trường Phong Hải; thị trấn Tằng Loỏng; Thái Niên…
Bên cạnh đó, huyện Bảo Thắng đã thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân thuộc đối tượng được tiếp cận phát triển kinh tế tự vươn lên thoát nghèo. Thực hiện cho vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội…
Tuy nhiên, trong công tác giảm nghèo vẫn gặp phải một số khó khăn hạn chế đó là, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua (bão Yagi), chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 có thể phát sinh tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giao. Năm 2024, huyện Bảo Thắng phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Huyện cũng đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp những hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tập trung đấy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đã rõ đối tượng, tích cực xuống cơ sở để tổ chức kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở theo thẩm quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, người lao động địa phương tích cực tham gia các chương trình tuyển dụng lao động trong nước và ngoài nước, nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thoát nghèo một cách bền vững./.