Ngày 8/8/2023 của Sở Y tế tỉnh Lào Cai thông tin ghi nhận 01 vụ việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật xảy ra tại hộ gia đình ông Má A T. (địa chỉ: Thôn San II, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa), dân tộc H’Mông tổ chức đám ma cho con trai. Tại đám tang, gia đình mổ 02 con lợn mời khách, cùng với đó nhiều gia đình đến viếng đám ma mỗi gia đình mang theo khoảng 01 kg thịt và 01 chai rượu để góp với chủ nhà chế biến các món ăn. Sau khi ăn các bữa, từ khoảng 06 giờ 30 phút ngày 5/8/2023 trở đi có 11 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa điều trị.

Hiện nay, ở một số đồng bào người dân tộc H’Mông và một số dân tộc khác có phong tục khi có đám ma, người cùng làng và anh em sẽ mang thực phẩm như: gạo, thịt, rượu… đến để góp cho chủ nhà làm cỗ, chủ nhà thường mổ lợn, mổ trâu để cúng và tiếp khách. Việc ăn uống đông người trong nhiều ngày, điều kiện về con người, cơ sở vật chất, dụng cụ, dao thớt để chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, nguyên liệu lại được góp từ nhiều người, nhiều nguồn khác nhau… là nguy cơ rất cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng. Nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm hóa học, sinh học, ôi thiu tùy theo số lượng, mức độ và đặc tính gây ngộ độc của tác nhân ô nhiễm có thể sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm như: tiêu chảy, kiêt lỵ, thương hàn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và sự cố do thực phẩm, nhất là trong các sự kiện, bữa ăn đông người, đề nghị người dân thực hiện một số nội dung sau:
1. Có đủ nước sạch để chế biến thực phẩm.
2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ và còn hạn sử dụng.
3. Không chế biến và ăn các món ăn sống như tiết canh, gỏi cá, không sử dụng các thức ăn đã bị ôi thiu trong các bữa ăn.
4. Sử dụng dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm sống, chín riêng biệt để phòng tránh lây nhiễm chéo.
5. Nơi chế biến thực phẩm đảm bảo sạch, cách xa nguồn ô nhiễm và nơi nuôi nhốt động vật.
6. Khi chế biến, bảo quản thực phẩm, có dụng cụ che đậy thực phẩm để tránh ruồi, muỗi, chó, mèo. Bàn chế biến và bảo quản thực phẩm đảm bảo cách mặt đất ít nhất 60cm.
7. Khi phát hiện vấn đề về nguy cơ mất ATTP báo ngay cho Trạm y tế xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Người tổ chức bữa ăn đông người ký cam kết với UBND xã và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm do việc tổ chức bữa ăn gây ra.
Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Hãy cùng chung tay bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.